Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Những món ăn ngày tết

Những món ăn ngày tết

Khoảng 27-28 Tết, mọi nhà đều lo gói bánh tét, bánh chưng và các loại bánh khác. Bánh chưng chỉ gói độ vài đôi để bày lên bàn thờ cho đẹp, còn phần lớn là bánh tét được gói bằng lá chuối hột với gạo, đỗ, thịt và làm thành từng đòn như bó giò. Khi ăn phải bóc lá, cắt thành từng khoanh rồi sắp lên đĩa.




Ngoài bánh tét, bánh chưng, người Huế còn thích ăn một số bánh khác như bánh su sê (phu thê), bánh măng, bánh sen chấy, bánh dừa mận... 

Bánh su sê làm bằng bột sắn có nhân đậu xanh ngào đường với dừa hay tôm chấy (tôm chấy là tôm tươi được rang xát cho nhỏ tơi ra), gói lá dừa đem hấp cách thủy. Còn bánh sen chấy làm bằng hạt sen nấu chín, nhào với đường đem láng cho mỏng, nướng lên, cuộn tròn, để vào thẩu đậy kín để ăn dần. Bánh dừa mận thì dùng xôi nếp giã nhuyễn ngào với dừa và nước đường, đem cán mỏng, cắt thành miếng vuông vừa, bên ngoài bọc lớp mè (vừng) rang, gói lại bằng giấy bóng. Bánh măng thì làm bằng măng tươi thái chỉ đem rim kỹ với đường, nấu lẫn với bột nếp. Sau đó cắt miếng, phủ lớp bột hoàng tinh bên ngoài rồi bọc bằng giấy bóng. 

Các món ăn mặn cũng được các mệ, các o xứ Huế chuẩn bị chu đáo từ vài hôm trước Tết. Trong các món ăn, dưa món là thứ không thể thiếu được trong mâm cỗ Tết của người Huế. Dưa món gồm dứa (thơm) và củ cải thái miếng đem phơi săn trộn với ớt chín, cà muối, đu đủ, tỏi, cà rốt, nước mắm và đường. Món này phải làm trước Tết độ vài tuần lễ cho ngấm. Tiếp đến là các món chả tôm, nem bò lụi, chả da, xà lách gân bò, chả tré, hành dầm dấm, chả lụa...




Hành dầm dấm là hành củ phơi nắng cho héo đem muối với đường trước Tết vài ba hôm, lúc ăn trộn thêm ớt và tỏi. Chả tré thì làm bằng thịt bò và thịt ba rọi rán vàng thái chỉ, trộn với riềng, ớt, tỏi, muối, đường, thính. Món này ăn với bánh tráng mè và rau ngò thơm. Còn muốn ăn tré chua thì gói chặt thành từng gói nhỏ bằng lá chuối hột, bên trong lót lá ổi. Để vài ba hôm, tré sẽ có vị chua. Nem bò lụi thì dùng bò nạc thật tươi giã nhuyễn trộn với hàn the, da heo, thính, đem viên thành từng viên, nướng vàng. Khi ăn dùng bánh tráng cuộn nem, xà lách, rau thơm, chuối chát non, khế, chấm với nước lèo. Nước lèo là một thứ nước chấm hỗn hợp gồm tương ngọt, nước mắm, hành phi, gan heo giã, nấu lẫn với hành, tỏi. Trước khi ăn còn rắc thêm lạc rang vàng giã nhỏ. Nem bò lụi cũng là một món ăn hỗn hợp của gần 20 thứ khác nhau. Một món ăn khác là chả tôm làm bằng tôm tươi lột vỏ giã nhuyễn, trộn mỡ, hàn the, lòng trắng trứng, cho tôm lên trên mặt lá chuối hấp chín ăn với dưa món và nước chấm. Muốn ăn chả tôm chiên thì sau khi hấp đem chiên chả lên ăn với rau sống. Ngoài ra, món tôm chua cũng là món ăn rất được người Huế ưa thích. Tôm được chọn làm món chua là loại tôm sống, tôm đồng. Tôm đem dầm rượu, cho vô thạp cùng với nước mắm, riềng và đường, đậy kỹ, đem đặt ngoài nắng chừng 5 hôm thì dùng được.



Có thể chia món ăn Huế làm ba loại: chay, bình dân và ngự thiện. 

Ngự thiện là những món ngon vật lạ trong cung đình dành riêng cho vua chúa và hoàng thân quốc thích. Sau này, món ăn ngự thiện đã bình dân hóa như món tré nộm, chả giò, nem... Món chay là những món ăn đơn giản, với tài sáng tạo và bàn tay khéo léo của người phụ nữ Huế đã chế biến các loại thực vật bình thường như hoa chuối, nấm rơm, hạt sen, đậu phộng, tàu hũ, nước dừa, củ đậu... thành nhiều món ăn thơm ngon, lạ miệng để cúng vào buổi sáng đầu năm. 



Rượu ở Huế phổ biến là rượu nếp và rượu thuốc đã được hạ thổ lâu ngày cho ngấm men và tăng thêm vị ngọt. Ngày Tết, người Huế rất thích uống trà. Nhiều loại hoa được ướp với trà để dùng như hoa nhài, hoa sen, hoa sói...

Những mon an ngay tet ở miệt vườn Nam Bộ

Trung tuần tháng Chạp, khắp xóm làng đã rộn lên tiếng chày giã gạo, nhịp nhàng từ sáng đến tối. Nhà nào cũng chọn nếp ngon, ngâm với men nấu rượu và củ thơm để đồ xôi, chuẩn bị quết bánh phồng. Ở miền sông nước, người ta có lệ hùn hạp, đổi công, các gia đình thay phiên nhau quết bánh. 

Cánh thanh niên lĩnh nhiệm vụ cầm chày, phụ nữ thì đảo bánh, lo xửng hấp. Ổ bánh được đem ra cán mỏng, cắt thành khoanh tròn, áo nước đường rồi phơi khô. Khi ăn thì đem nướng, bánh phồng lên tròn trịa, hương thơm ngào ngạt. Các lò bánh tráng cũng hoạt động thâu đêm. Bánh tráng miền Tây đượm hương vị riêng vì có nước cốt dừa bổ sung vào bột gạo. Khi ăn có vị bùi, béo của dừa, bánh giòn, dày dặn và hấp dẫn.


Món chủ lực của vùng nông thôn Nam Bộ là bánh tét. Những gia đình giàu có, con cháu đông đúc thường gói đòn bánh rất lớn. Khi bóc ra, khoanh bánh tròn trịa nằm gọn trong đĩa kiểu trông rất đẹp mắt. Trung bình mỗi đòn có đường kính chừng 10 cm và nặng 1 kg. Người Nam Bộ thường dùng lá dứa băm nhuyễn, vắt lấy nước, trộn vào nếp để bánh có màu xanh. Mỗi lần gói bánh, ít cũng phải 30-40 đòn, tùy khả năng của mỗi gia đình. Người ta thường biếu nhau một cặp với dụng ý cầu chúc hạnh phúc đủ đôi. Bánh này ăn cùng thịt và trứng vịt kho tàu, kèm với dưa giá, dưa cải. 


Ngày Tết, người dân vùng này còn có món cá lóc hấp hay nướng, cuốn bánh tráng rất hấp dẫn và nhiều đặc sản miệt vườn khác. Thức uống kèm là loại rượu hảo hạng, thường là rượu gạo ngon. Mâm ngũ quả có đủ các sản vật của miệt vườn, ít nơi nào bì kịp: xoài, mãng cầu, đu đủ, vú sữa, quýt, nhãn... màu sắc rất hài hòa. Bàn thờ được điểm thêm hai trái dưa hấu lớn bên bộ đèn đồng. 

Miệt vườn miền Tây không chỉ nổi tiếng với sản phẩm làm từ gạo và dừa mà còn có những loại mứt từ các loại khoai, bí, gừng... Miệt Chơn Thiện, Mỹ Tho (Tiền Giang) có loại bí đặc sắc to, chắc, ít ruột được chọn làm mứt. Món mứt của Mỹ Tho nổi tiếng bởi sự cầu kỳ khi chọn nguyên liệu và từng công đoạn chế biến, làm nên vị ngọt thanh, thơm, bùi.


Ngày Táo quân về trời, các cụ bắt đầu nhắc con cháu chọn cây tre tốt, cao để dựng nêu. Cây nêu cao độ 4 m, được bỏ nhánh, chừa đọt có lá, chờ đến 30 Tết mới dựng và mùng 7 thì hạ xuống. Sau ngày 23 tháng Chạp, người ta tranh thủ tát mương, chắt đìa, dỡ chà để bắt cá linh, lươn, ếch... đặc biệt là cá lóc, lươn được trữ trong lu đất, làm thức ăn cho mấy ngày Tết. Nhà cửa, phần mộ tổ tiên được quét vôi, trang hoàng lại từ 25 Tết. 

Đêm 29, mọi người quây quần bên bếp lửa nồng ấm, canh chừng nồi bánh tét, vừa uống trà, vừa chuyện trò râm ran. Chiều 30, mọi nhà chuẩn bị mâm cỗ để cúng rước ông bà về chung vui với con cháu trong 3 ngày Tết. Tối 30, các thành viên ngồi bên tách trà thơm, chờ đón phút thiêng liêng của thời khắc giao thừa. Từ phút giao thừa trở đi, người ta kiêng cữ nhiều việc: cãi vã lớn tiếng, động đất, quét nhà, xách nước. 

Người dân đồng bằng Nam bộ theo phong tục "mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thày". Cứ thế, gia đình nào cũng đưa con cháu về quê nội, ngoại rồi mới thăm thầy cô giáo. Những năm gần đây, họ thường tổ chức du xuân bằng thuyền trên sông Tiền. Cả gia đình hoặc 2, 3 gia đình thuê chung một thuyền. Có nhiều nhà khá giả, chơi Tết trên sông nước đến 2-3 ngày.


Mon an ngay tet ở miền Bắc

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Bây giờ cây nêu với tràng pháo đã thành dĩ vãng, câu đối cũng chỉ còn lại trong vài nhà hoài cổ. Chỉ có bánh chưng với dưa hành, chẳng có gia đình miền Bắc nào lại thiếu trong mâm cơm ngày Tết.



Bánh chưng xanh 

Gạo gói bánh chọn nếp ngon thì bánh mới dẻo, thơm, để lâu ngày không bị lại gạo. 
Tuỳ theo đặc điểm từng vùng có thể thêm bớt gia giảm nhân bánh, nhưng thông thường có: thịt, đậu, hành khô, hạt tiêu. Nhân bánh phải là thịt ba chỉ, đậu xanh thứ tốt, hành khô thái lát. Dù thời gian nấu bánh lâu (khoảng 14 tiếng) nhưng muốn nhân ngon, đậu xanh phải hấp chín trước, sau đó giã nhỏ, vắt thành từng nắm con để khi gói cho vào bánh cùng với thịt và hành. 
Để có được chiếc bánh có màu xanh mướt mắt, khi gói lớp trong để mặt lá xanh tiếp ráp với gạo. Bánh phải vuông vắn, đầy đủ góc cạnh thì khi đặt lên đĩa mới đẹp. Gói bánh hơi chặt tay vì nếu lỏng sau khi luộc sẽ nát, còn nếu quá chặt, hạt gạo nở ra làm bánh nát hay bục lá gói.
Có thể dùng khuôn để đóng gói, nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người gói bằng khuôn sẽ không vừa độ chặt nên khi luộc bánh dễ bị nứt. 
Sau khi luộc xong, vớt bánh ra rửa qua nước lã để làm sạch chất nhờn sẽ lâu bị thiu. Sau đó đến công đoạn ép cho bánh chặt, dùng một tấm ván đặt lên những chiếc bánh xếp trên cùng một mặt phẳng và để các vật nặng lên trên. Như vậy khi cắt bánh ăn không nát lại dẻo, cắn vào miệng bánh thơm lại bùi. 




Dưa hành 

Bánh chưng dẻo, béo, ăn dễ ngán đã có đĩa dưa hành chua chua, giòn giòn, khiến cho người thưởng thức ăn được nhiều hơn, ngon miệng hơn. Có lẽ câu “bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành”… cũng xuất phát từ đây. 
Để có lọ dưa hành muối ngon, các bà nội trợ phải chuẩn bị từ rất sớm, trước Tết 15-20 ngày. Hành củ tươi được lột vỏ ngoài, rửa sạch. Một số người để nguyên cả vỏ muối, khi dọn ra đĩa mới bóc lớp vỏ ngoài. 
Chọn loại hành tím thì mới cay và thơm ngon. Trước khi muối, ngâm hành vào nước gạo vài ngày để giảm bớt độ cay. Sau đó vớt ra, rửa sạch, để cho ráo nước. Kỹ thuật muối hành cũng rất đơn giản, chỉ cần pha nước sôi hơi ấm với một lượng muối vừa phải, cho thêm vào một ít đường, hoà tan rồi cho hành vào nén lại.

Mon an ngay tet ba miền

Do phong thổ và tập quán, mà các món ăn của các miền có sự khác biệt. Giống nhau thì có dưa hành, dưa kiệu, dưa món (dưa góp). Khác nhau thì cũng nhiều. Riêng chỉ với một số loại thịt, cá cũng đã khó kể hết rồi. Nếu miền bắc có thịt đông do khí hậu ngày Tết ở miền bắc rất lạnh (thịt chân giò được nấu và cho gia vị vào để có vị nhạt hơn kho và mặn hơn luộc), miền trung có thịt phay hai đầu (thịt đùi luộc và cuốn khéo thế nào để khi chín và cắt ra, miếng thịt đều có da ở hai đầu) thì miền nam lại có loại thịt thấu (thịt luộc ngâm trong nước mắm đường). Miền bắc hay dùng cá thu nướng để kho ăn dần mấy ngày Tết, cá thu kẹp nẹp tre nướng thơm vàng, kho chung với chút thịt ba chỉ, vài gióng mía hay chút trà xanh, sau khi kho, thịt cá chắc mà mềm (vì đã thấm mỡ từ miếng ba chỉ), lại thơm thơm mùi trà và dìu dịu của mía (chứ không phải vị ngọt của đường). Trong khi đó, miền trung lại kho cá với măng, cho cay quắn lưỡi để ăn cùng với rau sống, miếng măng giòn, thấm vị cay của ớt và vị ngọt của con cá nục. Còn miền nam thì lại dùng con cá lóc, một loại cá sẵn có ở đồng bằng Nam Bộ để kho. 

Làm gì thì làm, nấu sao thì nấu, các bà nội trợ cũng khôn khéo pha chế để các món ăn nặng chất dầu mỡ, khó tiêu này ăn kèm với dưa cải muối chua, củ kiệu, củ hành cho dễ tiêu thực. Bởi thế cho nên lúc nào cũng có một đĩa dưa hành muối đi với đĩa bánh chưng trong mâm cỗ Xuân của người bắc, hay đĩa củ kiệu chua ngọt trong bàn nhậu của người miền nam, và lát nghệ vàng tươi trong đĩa thịt kho của người miền trung. Không dám bàn luận nhiều về các món ăn, xin được nêu món kho khá đặc trưng của ba miền trong mấy ngày Tết:



Thịt bò kho quế miền bắc 

Những miếng thịt bò nạm không dày lắm nhưng rất ngon, ướp với chút nước cốt tỏi, chút mắm muối rồi cho thịt ba chỉ cắt mỏng vào giữa, cuộn tròn lại, dùng lạt buộc chặt rồi chiên sơ trước khi cho vào nồi kho. Thả miếng thịt vào nồi nước sôi đã có sẵn xì dầu, chút đường và một miếng quế nhỏ rang thơm, nấu cho đến khi thịt mềm thì vớt ra, để nguội. Bỏ lạt và cắt thành khoanh, miếng thịt bò mềm mà chắc chứ không nát, lẫn vào mầu nâu của thịt bò là mầu trắng của mỡ heo, trong trong của lớp da heo, ăn kèm với bánh chưng hay cơm nếp thì thật là không có gì ngon bằng. Món này thường được chuẩn bị từ ngày hai mươi chín Tết để kịp cúng trưa Ba mươi và mấy ngày Tết. Ngày thường không sẵn dưa hành ăn kèm thịt bò kho thì có thể thay bằng một đĩa gừng cắt sợi nhuyễn.


Giò heo hon miền trung 

Món này được làm từ thịt chân giò (giò heo), có mầu vàng nghệ, ăn vào thơm thơm và mềm, rất được ưa dùng trong những ngày Tết ở miền trung. Thịt giò cắt miếng vuông bằng đốt tay cái ướp chung với nghệ tươi giã nát, nước mắm, muối, đường và nhất là không được thiếu chút ruốc Huế cho đậm đà. Rồi cứ việc đảo cho săn, cho chút nước xâm xấp, kho riu riu cho đến khi thịt mềm, cho thêm đậu phộng luộc chín, bóc vỏ; ai thích ăn cay có thể gia thêm chút ớt bột, hay sau khi thịt chín, cho vào trái ớt giã nhuyễn, mà nhớ là không được quên chút sả giã thật nhuyễn. Cơm nóng, ăn kèm miếng thịt hon, lại thêm chút măng muối, hay lùa chút canh chua măng nấu cua thì ngon làm sao, dù khi ăn xong, có thể nước mắt dàn dụa vì cay.

Cá kho nước dừa miền nam 

Cá lóc tươi làm sạch sẽ, ướp chút muối, đường, nước cốt chanh cùng với ít thịt ba rọi cắt to bằng ba ngón tay cũng ướp như cá, đem phơi nắng khoảng một tiếng rồi lấy vào kho. Thịt cá và thịt heo đã thấm gia vị được thả vào nồi nước dừa tươi đang sôi có cho nước mắm ngon, cứ kho riu riu cho đến khi cá chín, thịt heo mềm rục, nước trong nồi trở mầu vàng nâu là nồi cá đã đạt. Lấy ra, bẻ miếng cá, khỉa một ít thịt cho vào cái bánh tráng đã để sẵn ít rau sống, các loại rau thơm, chút bún, ít dưa giá, kiệu chua, cuộn lại, chấm với chính nước cá kho thì ngon hết biết. Cá chẳng còn mùi tanh, thịt lại mềm béo ngậy trong miệng, cái ngon này đưa đẩy cái ngon kia.

1 nhận xét:

Popular

Lưu trữ Blog